TÂN THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA MỘT VIỆT KIỀU

    Nói đến tương lai của mỗi người, của xã hội, đất nước ngày mai, những năm kế tiếp, phụ thuộc vào thể chế chính trị mỗi quốc gia. Thành công, thất bại tuỳ thuộc vào bản thân nói riêng, của xã hội nói chung, khi chính sách, pháp luật của quốc gia đó phù hợp và tốt, đang nằm vị trí nào trong khu vực và thế giới.

    Thời gian qua, ta có thể tính theo tháng, lấy mốc 6 tháng gần nhất, tính từ ngày 2 tháng 9 năm 2020 đến ngày 2 tháng 4 năm 2021. Ta nhận thấy chính trường Việt Nam đã ngã ngũ, mọi dự đoán, đồn thổi của lề trái, lề phải, của bàn dân thiên hạ trong nước cũng như nước ngoài đều dựa trên nguyên tắc thông tin chính thống của Việt Nam đã đưa ra một cách nửa kín nửa hở. Về qui hoạch lãnh đạo cấp chiến lược cho nhiệm kỳ 2021- 2025 dài hơi là 2025 - 2035.
Hôm nay, mọi chuyện không còn phải bàn cãi khi Tổng Bí thư là ông Nguyễn Phú Trọng; Ông Vương Đình Huệ là tân Chủ tịch Quốc hội; trong Triều đình lâu nay người ta vẫn nói cụm từ "Tứ trụ Triều đình" đã có 2 ghế. Mặc nhiên 2 ghế còn lại sẽ dành cho Ông Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội của Văn phòng Chủ tịch Nước sẽ là Tân Chủ tịch Nước; Ông Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của Văn phòng Chính phủ sẽ trở thành Tân Thủ tướng Chính phủ.

    Không bàn thêm về các chức danh đã được mặc định. Người dân Việt Nam, cộng đồng Quốc tế đang quan tâm nhiều nhất đến người nắm chức vụ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đương nhiên là thế, bởi Thủ tướng Chính phủ là cơ quan hành pháp, điều hành phát triển đất nước, là cơ quan thực thi các chính sách của Quốc hội và Chính phủ ban hành. Là nơi trực tiếp cọ sát từng giây, từng phút với người dân và doanh nghiệp, đối nội - đối ngoại trong tình hình mới. Hiện tại và tương lai gần, xa cực kỳ phức tạp và hung hiểm khác hẳn những nhiệm kỳ trước. Dẫn đến sự quan tâm của cộng đồng xã hội càng lớn hơn, sức ép từ mọi phía càng mạnh hơn. Điều cần thiết là người đứng đầu phải đủ bản lĩnh, đủ nghị lực, đủ uyên thâm, đủ tài kinh bang tế thế trong nước, nội khối và toàn cầu.
    Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ông là ai? Độ nông sâu của ông thế nào trong thế giới đương đại và trong đất nước đang đầy khát vọng vươn lên thịnh vượng và hùng cường. Ta nhìn một cách khách quan nhất về ông Tân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2025, dưới các góc độ khác nhau: Tuổi ông 62 (1958) cái tuổi đủ chín, đủ chỉn chu để làm người trưởng thành toàn diện. Độ dày về trải nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm cuộc sống trong nước và nước ngoài; Các công việc đã kinh qua trước khi tiếp nhận quyền lực cao nhất của cơ quan hành pháp, lãnh đạo tân Nội các của Chính phủ;
    Lý lịch trích ngang của Tân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã được cả thế giới biết đến, được truyền tải trên không gian mạng hơn 179 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Liên hợp quốc mà Việt Nam thành viên, có liên quan trực tiếp, gián tiếp. Đặc biệt, cực kỳ quan trọng là đang được phôi diễn trước mặt của 100 triệu dân trong nước và bà con kiều bào.
    Các vấn đề lớn, nhỏ của quốc gia đã được Đại hội Đảng lần thứ 13 nêu ra, và các nghị quyết, nghị định đã ban hành. Lời giải của Thủ tướng và Nội các của ông trước nhiệm vụ to lớn và nặng nề này như thế nào. Có đạt được 100% kế hoạch đã vạch ra hay không, tất cả vẫn là ẩn số và biến số cũng luôn xẩy ra.
    Theo góc nhìn khách quan và cách nghĩ của người viết không tham gia chính trị, chỉ là doanh nghiệp bình thường trong xã hội, nhưng cùng tuổi với ông Phạm Minh Chính:
    Người đàn ông sinh năm 1958 vừa 62 tuổi tây, 63 tuổi ta (Mậu Tuất), tuổi đúng tầm của người làm chính khách đứng đầu một Chính phủ với dân số 100 triệu dân đứng hàng thứ 13 của các nước đông dân nhất thế giới, tuổi trung bình người dân đang được gọi là tuổi "vàng" của lao động sản xuất, phát triển về mọi phương diện cần và đủ cho đất nước vươn lên nếu sự điều hành của Chính phủ trúng, chuẩn, quyết liệt.
    Xuất thân từ người lính mặc thường phục (sỹ quan tình báo), mang hàm cấp tướng, đã từng là chiến sỹ và từng bước phấn đấu để có chức vị cao trong ngành (Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục tình báo, Thứ trưởng Bộ Công an) nên chắc chắn kinh qua nhiều trận chiến thầm lặng, đấu trí, đấu lực rất cam co, gian khổ, thất bại có, thành công nhiều.
    Ông là Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam có thời gian học tập và công tác ở Đại sứ quán ở nước ngoài dài nhất hơn 10 năm tại Romania thuộc khối Đông Âu, trước và sau khi sụp đổ, ông có bằng kỹ sư xây dựng ở nước ngoài, Tiến sỹ luật, được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư chuyên ngành luật, nên kinh nghiệm chính trường và thương trường tại các nước XNCN và TBCN đủ nhiều hơn so với các vị Nguyên Thủ tướng của Việt Nam qua các thời kỳ trước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh

    Ông đương nhiệm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản một trong nhưng Hội quan trọng nhất của Việt Nam với nước ngoài. Nhật Bản là một trong 7 quốc gia (G7)đứng đầu thế giới về kinh tế, quân sự. Khả năng ông có thể giao tiếp bằng tiếng tiếng Anh, Nhật và đương nhiên thành thạo tiếng Romania. Từ môi trường này, ông cũng đã giao lưu, học hỏi được nhiều từ phía bạn.
    Ông đã làm Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh, người lãnh đạo đứng đầu một tỉnh quan trọng, trấn ải biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trước thời gian này, Quảng Ninh kinh tế chậm phát triển, một tỉnh chỉ biết đào, móc, khai thác tài nguyên khoáng sản đem bán. Từ khi ông trực tiếp lãnh đạo cho đến nay tỉnh Quảng Ninh đã chuyển mình từ chất (NÂU) sang chất (XÁM), trở thành tỉnh đứng đầu về thu hút đầu tư, kinh tế phát triển ngoạn mục, môi trường tràn ngập mầu Xanh, trở thành điểm sống hấp dẫn nhất Việt Nam.
    Sau nhiệm kỳ 5 năm làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, việc qui tụ được các cán bộ trẻ, năng lực và nhiệt huyết mong muốn được cống hiến, được phục vụ đã và đang lấy lại niềm tin của cộng đồng xã hội và nhà đầu tư nước ngoài.
    Tôi đã được làm việc với ông trong giai đoạn ông làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh. Thời gian vào khoảng những năm 2011-2012, khi Tập đoàn Canadian Commercial Corporation (CCC) thuộc Chính phủ Canada, là tập đoàn kinh tế lớn nhất do Quốc hội Canada thành lập năm 1946, vào Quảng Ninh và Việt Nam, nghiên cứu báo cáo khả thi về đầu tư xây dựng dự án sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.
    Qua tiếp xúc, làm việc trực tiếp với ông Phạm Minh Chính tại Quảng Ninh và Hà Nội, tôi đánh giá cao khả năng và trách nhiệm của ông với sự phát triển của tỉnh mà ông đang phụ trách nói riêng, Việt Nam nói chung.
    Thành công rực rỡ, hay thành công ở mức độ nào đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hoà”. Mọi công việc đang ở thì tương lai, không một cá nhân nào, một tổ chức nào hoặc chính thể nào có thể khẳng định 100% thành công như mong muốn đặt ra. Nhưng tôi vẫn có niềm tin vào khả năng của Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tôi cũng tin vào bên cạnh ông còn có nhiều chính khách trẻ khỏe, nhiệt huyết, đặc biệt là ông Vương Đình Huệ đương nhiệm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.
    Là thảo dân, là doanh nghiệp, là Việt kiều đã và đang đầu tư vào Việt Nam từ cuối thập niên 90 cho đến nay, với hơn 20 năm kinh nghiệm và trải nghiệm qua "ảnh thật, ảnh ảo" của đất nước Việt Nam, Canada, Singapore, Hoa Kỳ, Hàn quốc và Nhật Bản... Nên tôi tin rằng ông Phạm Minh Chính và Nội các của ông sẽ thành công, khi họ biết lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tôn chỉ, lấy hạnh phúc và quyền lợi của người dân là tối thượng.
    Tôi, bạn và chúng ta có quyền hy vọng vào nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với nhân dân Việt Nam, hãy chờ vào tương lai rất gần, thật gần./.

Cre: Comcom
TÂN THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA MỘT VIỆT KIỀU TÂN THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH DƯỚI GÓC NHÌN CỦA MỘT VIỆT KIỀU Reviewed by thuần Việt on tháng 4 05, 2021 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Trang chủ. Hình ảnh chủ đề của 5ugarless. Được tạo bởi Blogger.