LƯƠNG THỰC LÀ XƯƠNG MÁU CỦA CÁCH MẠNG

 “Lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng nó, phải tiết kiệm ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng nó, phải tiết kiệm ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”.
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc”, ngày 9-9-1952 (Hồ Chí Minh – Toàn tập, tập 7).
Bước vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhu cầu lương thực, vũ khí cho chiến trường ngày càng lớn, trong khi công tác hậu cần, tiếp tế ngày càng khó khăn, gian khổ. Lời dạy của Bác là sự căn dặn về thái độ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ đối với lương thực và vũ khí, từ đó có trách nhiệm bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nhất, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Lời dạy của Bác năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn đối với mọi cấp, mọi ngành, mọi người về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mặc dù sự nghiệp đổi mới đã và đang thu được nhiều thành tựu to lớn, nhưng đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển đất nước phải tiết kiệm, hợp lý. Những tài sản của Nhà nước, của bộ máy chính quyền các cấp đều từ đóng góp của người dân, do vậy, người sử dụng phải có ý thức giữ gìn, bảo quản và sử dụng tiết kiệm. Mỗi người cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, thực hiện cần, kiệm, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua: “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Đơn vị quân y 5 tốt”… và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, đã phát huy tinh thần tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền các loại vũ khí, trang bị trong biên chế. Trước hết, mỗi người cần phải có nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò của việc tiết kiệm và sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm, điện, nước, chất đốt, vũ khí trang bị…; trên cơ sở đó, cụ thể hóa trong công tác hằng ngày, bằng việc tiết kiệm điện, nước, lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm…; bảo quản và sử dụng đúng mục đích các loại vũ khí, khí tài, trang bị trong huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ.
Theo dấu chân Người
Ngày 9-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tuỳ tùng từ nhà của ông R.Ôbơrắc trở về Khách sạn “Royal Monceau”, nơi Chính phủ Pháp bố trí cho Người. Đây là thời điểm quyết định thành bại của cuộc Hội nghị Fontainebleau. Bác tiếp tục các cuộc tiếp xúc với các chính khách Pháp và thảo luận bên ngoài Hội nghị với những nhân vật có trách nhiệm của Chính phủ Pháp nhằm cứu vãn tình hình.
Ngày 9-9-1950, Bác Hồ viết “Lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng”, báo tin: “Quân ta đã mở chiến dịch trên mặt trận Cao - Bắc - Lạng. Chiến dịch này rất quan trọng cho Cao - Bắc - Lạng và cho cả toàn quốc. Đồng bào ba tỉnh đó cố gắng rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến dịch như: góp quân lương, sửa đường sá, vận tải, chuyên chở, giúp đỡ bộ đội v.v.. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và quân đội cảm tạ đồng bào... Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho chiến dịch được thắng lợi”.
Cùng khoảng thời gian này, trên đường đi chỉ đạo Chiến dịch Biên giới, Bác ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch và tặng một bài thơ, sau đó trở thành một châm ngôn sâu sắc đối với thế hệ trẻ Việt Nam: “Khuyên Thanh niên:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.
Ngày 9-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ Cộng hoà Việt Nam”, gồm: Bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Bảo vệ nghề nghiệp làm ăn của nhân dân. Tịch thu tài sản của giặc Pháp và bọn phản quốc. Bảo vệ đền chùa, nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hoá, xã hội khác. Thưởng người có công, phạt người có tội. Giữ gìn trật tự và trị an. Nhân dân, đặc biệt là nông dân, nên tổ chức lại. Bảo vệ tính mạng, tài sản của kiều dân nước ngoài.
Văn bản kết luận “Kỷ luật của quân đội nhân dân rất nghiêm minh, mua bán công bằng, không phạm đến một cái kim, sợi chỉ của dân. Đồng bào hãy làm ǎn yên ổn, giữ gìn trật tự, giúp đỡ quân đội, ủng hộ chính quyền nhân dân, giữ bí mật cho bộ đội, cán bộ và cơ quan; đừng nghe bọn địch, bọn nguỵ tuyên truyền nhảm”./.

LƯƠNG THỰC LÀ XƯƠNG MÁU CỦA CÁCH MẠNG LƯƠNG THỰC LÀ XƯƠNG MÁU CỦA CÁCH MẠNG Reviewed by thuần Việt on tháng 9 08, 2021 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Trang chủ. Hình ảnh chủ đề của 5ugarless. Được tạo bởi Blogger.