Vào những năm 1960, trong khuôn khổ Chương trình Nguyên tử vì mục đích hòa bình, Chính phủ Mỹ đã đầu tư xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân tại Việt Nam theo công nghệ TRIGA-MARK II của hãng General Atomics Corporation (San Diego, California) – từ thiết kế TRIGA của nhà vật lý lý thuyết Edward Teller và cộng sự. Lò có công suất danh định là 250 kW, sử dụng các thanh nhiên liệu hợp kim hydride uranium-zirconium có độ giàu thấp (LEU) U-235 dưới 20%. Đây là một trong những thiết kế tiên tiến bậc nhất của Mỹ trong những năm 1960. Khi nhiên liệu U-235 tham gia vào phản ứng phân hạch dây chuyền trong lò phản ứng do tương tác của neutron chậm, cùng lúc đó các neutron nhanh sinh ra sẽ tương tác với U-238 để tạo thành Pu-239. Sau khi được tách chiết ra khỏi thanh nhiên liệu, Pu-239 có thể được sử dụng để làm vũ khí hạt nhân.
Sau hơn hơn 2 năm xây dựng, lò phản ứng hạt nhân DLR-I (Dalat Reactor-I) đã đạt trạng thái tới hạn vào ngày 26/2/1963 và chính thức đi vào vận hành ngày 3/3/1963.
Mục tiêu xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt là sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ để nghiên cứu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế… cũng như thực hiện các nghiên cứu cơ bản về vật lý lò phản ứng và an toàn bức xạ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, người Mỹ đã phải dừng vận hành lò vào năm 1968. Đến rạng sáng ngày 31/3/1975, các chuyên gia Mỹ đã rút hết các thanh nhiên liệu cháy dở trong lò phản ứng có phóng xạ để đưa sang Philipines. Sáng hôm đó, khi Quân Giải phóng vào đến Đà Lạt, lò phản ứng đã không còn lõi.
Từ năm 1979, trong khuôn khổ hợp tác Xô-Việt, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được Liên Xô giúp đỡ thiết kế khôi phục và mở rộng công suất lên gấp đôi cũng trên cơ sở sử dụng các thanh nhiên liệu U-235 nhưng có độ giàu cao (HEU) 36%. Dự án khôi phục và nâng công suất lò phản ứng được tiến hành trong hai năm 1982-1983, và đến 20/3/1984 lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt “vỏ Mỹ, ruột Nga” độc nhất vô nhị trên thế giới đã chính thức đưa vào hoạt động với công suất danh định 500 kW.
Từ đó đến nay, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được phía Nga cũng như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá là một trong những lò phản ứng nghiên cứu hoạt động hiệu quả nhất.
Theo thỏa thuận với Nga và Hoa Kỳ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, từ năm 2007, Việt Nam đã tham gia Chương trình chuyển đổi nhiên liệu của lò Đà Lạt từ loại nhiên liệu có độ giàu cao (HEU) – 36% xuống loại nhiên liệu có độ giàu thấp (LEU) – 19,75%. Theo đó, từ năm 2007 đến tháng 5 năm 2013, lò Đà Lạt đã từng bước giao trả và vận chuyển về Nga các thanh nhiên liệu có độ giàu cao.
Hiện nay, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là nơi duy nhất tại Việt Nam nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm từ phóng xạ
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Không có nhận xét nào: