SỰ TẮC TRÁCH CỦA BÁO CHÍ GÂY NGUY HẠI CHO XÃ HỘI
Làm báo không dễ và khó tránh khỏi những sai sót, song có những sai sót lẽ ra không được phép xảy ra, bởi cái sai ấy nếu xảy ra sẽ gây hại cho xã hội. Câu chuyện về bài báo “Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất bắt đầu tiêm Vaccine Sinopharm cho trẻ em 3-17 tuổi” là một ví dụ.
Chiều qua 3/8, sau khi bài báo có tựa “Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất bắt đầu tiêm Vaccine Sinopharm cho trẻ em 3 -17 tuổi” được đăng tải, ngay lập tức đã có một số người vin vào mâu thuẫn giữa nội dung và hình ảnh minh họa của bài báo này để minh chứng cho thuyết âm mưu của họ, rằng báo chí Việt Nam đang tìm mọi cách, kể cả cách tệ hại nhất là đăng tin giả để quảng cáo cho Vaccine Sinopharm của Trung Quốc.
Vấn đề mấu chốt khiến cho những người này tỏ ra hả hê là ở chỗ, bài có nội dung viết rằng các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất bắt đầu tiêm Vaccine Sinopharm cho trẻ em 3-17 tuổi, nhưng lại dùng hình ảnh của một bé gái được tiêm Vaccine Pfizer để minh họa cho nội dung. Xem hình bên.
Không lâu sau đó, hình ảnh minh họa sai đã được gỡ bỏ nhưng sự tắc trách đó đã kịp để lại hậu quả tiêu cực cho xã hội. Kẻ xấu đã lấy hình ảnh đó để nói rằng, “Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất bắt đầu tiêm Vaccine Pfizer cho trẻ em 3-17 tuổi” chứ không phải Sinopharm, và rằng tờ báo của đơn vị chủ quản đã đăng tin giả để quảng cáo cho Sinopharm và để “cố tình tiêm Vaccine Tàu cho người dân Sài Gòn” trong khi Hà Nội thì tiêm Vaccine Pfizer… Rõ ràng, sai sót của bài báo đã tạo cơ hội cho những người thiếu thiện chí thực hiện ý đồ xấu, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của cả nước.
Thực tế là, thông tin được đăng tải trong bài báo hoàn toàn đúng, không hề sai.
Việc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất triển khai tiêm chủng Vaccine Sinopharm cho trẻ 3-17 tuổi đã được đăng tải trước đó trên hãng tin Reuters danh tiếng và các thông tin được đăng tải trên báo Việt Nam đều hoàn toàn trùng khớp với Reuters, chứng tỏ nguồn tin từ trang báo là đáng tin cậy. Mời xem ảnh chụp màn hình bài báo trên Reuters ngay bên cạnh.
Qua công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google, chúng ta dễ dàng thấy hình ảnh minh họa được lấy từ bài viết của trang New York Times về việc “Mở rộng thử nghiệm Vaccine Pfizer và Moderna cho trẻ em”.
Nói về sai sót của bài viết này, người viết cho rằng nó xuất phát từ sự tắc trách hoặc hời hợt của tác giả và bộ phận kiểm duyệt.
Đánh giá về hậu quả để lại của sự tắc trách nói trên, trong bài viết “Có một sự thật đã bị lờ đi” trên Blog Cánh Cò, tác giả Hạnh Văn đã phải viết: “Tiếc rằng, một thông tin sạch, lẽ ra đã là tín hiệu tích cực cho chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam, nhưng lại bị một sơ suất đáng tiếc che mờ giá trị đáng có của nó. Nhưng mong rằng, trên vai trò là một bạn đọc, chúng ta có quyền chê trách việc làm của trang báo, nhưng chúng ta cũng nên tin vào sự thật. Sự thật, đó là bài báo đã đưa tin một cách trung thực, khách quan, từ một nguồn uy tín thế giới. Sự thật, đó là thông tin ấy đã khẳng định được độ an toàn và hiệu quả của Vaccine Sinopharm, được một quốc gia giàu có như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sử dụng cho trẻ em. Đó là một thông tin quý báu và quan trọng, đặc biệt là cho những ai đến nay vẫn còn nghi ngờ về độ an toàn và hiệu quả của Vaccine Sinopharm (Beijing). Hãy chê trách cách sử dụng hình ảnh tùy tiện trang báo, để họ có thể thẳng thắn đối diện với lỗi lầm và khắc phục. Và hãy tin vào sự thật, rằng tờ Reuters uy tín đã khẳng định, đất nước giàu có bậc nhất UAE đã sử dụng Vaccine Sinopharm (Beijing) cho trẻ em, mầm non tương lai của chính họ”.
Như trên đã nói, làm báo không dễ và khó tránh khỏi sai sót. Một bài báo có chất lượng thì trước hết nội dung của nó phải phản ánh đúng sự thật và hình ảnh minh họa phải phù hợp. Hình ảnh minh họa chính là yếu tố cực kỳ quan trọng để thu hút và tạo cảm xúc tích cực người đọc. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, “có đến 85% người dùng Internet có ấn tượng nhiều hơn với các hình ảnh minh họa so với các con chữ thông thường. Con số đó đã nói lên sức mạnh tiềm ẩn của hình ảnh minh họa cho một bài báo, nhất là đối với báo điện tử online”. Đành rằng, vấn đề căn cốt nhất của một bài báo là có ý tưởng tốt, nội dung hấp dẫn, phương pháp tiếp cận vấn đề và lối viết độc đáo, nhưng để có được sự chú ý đầu tiên, thì hình ảnh minh họa đi kèm phải trông bắt mắt, ấn tượng và không mâu thuẫn với nội dung của bài viết.
Cuối cùng, tôi mong các nhà báo hãy trách nhiệm hơn trong các bài viết, trước hết và chủ yếu là để báo chí thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình và không cho kẻ xấu bất kể cơ hội nào để xuyên tạc sự thật, gây mất ổn định chính trị, xã hội tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào: