TÌM HIỂU VỀ GIỚI LUẬT, LUẬT LỆ CỦA MỘT SỐ TÔN GIÁO

 Mỗi một tổ chức, mỗi một quốc gia trên thế giới đều có luật lệ, pháp luật riêng để quy định việc các tổ chức, cá nhân trong tổ chức, quốc gia đó phải tuân thủ, thực hiện. Trong tôn giáo cũng vậy, mỗi một tôn giáo đều có giới luật, luật lệ riêng để quy định về những điều chức sắc, chức việc, tín đồ của tôn giáo được làm hay không được làm; qua đó khuyến khích còn người làm lành, tránh dữ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin khái quát về giới luật, luật lệ của: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài.

Thứ nhất: về giới luật của Đạo Phật
Giới luật của Phật giáo chế định nhiều điều hướng dẫn người theo đạo tu tập. Nội dung của giới luật quy định những điều kiêng cấm nhằm chế ngự dục vọng, từ bỏ những việc ác, khuyến khích làm việc thiện để được giải thoát. Giới luật có những quy định riêng, cụ thể cho từng đối tượng tu hành, cụ thể:
Đối với nam, nữ là tín đồ tu tại gia phải thực hiện 05 điều cấm hay còn gọi là Ngũ giới, gồm: (1) Giới sát (không sát sanh); (2) giới đạo (không được trộm cắp); (3) giới tà dâm (không hành dâm với người khác ngoài vợ, ngoài chồng); (4) giới vọng ngữ (không được nói điều sai trái); (5) giới tửu (không uống rượu; ở một số vùng người dân có tập quán uống rượu thì đổi thành không được uống rượu say - hay gọi là già giới). Song song với việc thực hiện 05 điều cấm, tín đồ phải thực hiện 10 việc thiện, gồm: 03 điều thiện về thân (không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm); 04 điều thiện về khẩu (không nói dối, không nói hai lời, không nói điều ác, không nói thêu dệt); 03 điều thiện về ý (không tham lam, không giận giữ, không tà kiến).
Đối với người xuất gia ở bậc Sa Di: ngoài việc thực hiện 05 giới (ngũ giới) như tín đồ tu tại gia, họ còn phải thực hiện thêm 05 giới khác, gồm: (1) Không trang điểm, không bôi nước hoa hay xức dầu thơm; (2) không nằm giường đệm cao sang, giường rộng dùng cho 02 người; (3) không xem ca hát, nhảy múa và không được ca hát, nhảy múa; (4) không giữ vàng bạc; (5) không ăn quá giờ quy định.
Riêng đối với bậc tỳ kheo: tỳ kheo Tăng phải thực hiện 250 giới và tỳ kheo Ni phải thực hiện 348 giới. Giới luật của bậc Tỳ kheo quy định rất chi tiết, chặt chẽ từ việc ăn mặc, ở, đi, đứng, nằm, ngồi (hay còn gọi là hành, trụ, tọa, ngọa) cho đến mối quan hệ giao tiếp với gia đình, xã hội, đồng đạo, cách thức hành đạo, tu trì, lễ bái...
Ngoài các giới luật trên, đối với người xuất gia, Phật giáo còn nêu lên 06 điều để hướng dẫn tu hành, gồm: (1) thân hòa đồng trụ - nghĩa là cùng sống hòa đồng trong một tập thể; (2) Ý hòa đồng duyệt - nghĩa là một lòng một dạ, không trái ý nhau, cởi mở với nhau; (3) Khẩu hòa vô tranh - nghĩa là nói năng hòa nhã, không tranh cãi; (4) Giới hòa đồng tu - nghĩa là giữ chung một kỷ luật; (5) kiến hòa đồng giải, - nghĩa là hiểu biết, thông cảm, chia sẻ với nhau; (6) lợi hòa đồng quân - nghĩa là chia đều lợi ích cùng nhau hưởng.
Bên cạnh giới luật, Phật giáo còn nêu lên một số điều để răn dạy đối với tất cả những người con của Phật, kể cả người xuất gia và tín đồ tu hành tại gia, cụ thể như: Tứ lượng vô tâm ((1) làm cho người khác được hưởng sung sướng, an lạc; (2) làm cho người khác hết đau khổ, phiền não; (3) luôn vui vẻ, không ganh tị, hiềm khích trước hạnh phúc, thành tựu của người khác;(4) thanh thản, không luyến ái, không bực tức, nóng giận, không phiền não); vô ngã vị tha (không vì bản thân mình mà phải vì mọi người); hạnh lục độ ((1) luôn giúp đỡ người; (2) giữ gìn, tuân thủ giới luật; (3) kiên trì, nhẫn nại; (4) cần sự tiến bộ;(5) làm chủ bản thân; (6) có sự hiểu biết).
Để thực hiện nghiêm túc giới luật, hàng tháng hai lần vào ngày 15 và 29 (hoặc 30) theo âm lịch, những người xuất gia tu hành trong một chùa, tự viện sẽ tập hợp lại để tụng giới (tức là đọc lại các giới luật). lễ tụng giới trong Phật giáo gọi là lễ Bố Tát. Việc xử lý tăng chúng phạm giới luật được tiến hành theo pháp Yết ma.
Thứ hai: về luật lệ của đạo Công giáo
Từ rất sớm, đạo Công giáo đã xây dựng cho mình một hệ thống các luật lệ rất chi tiết, cụ thể và được thực hiện thống nhất trên toàn thế giới. Luật lệ của của đạo Công giáo chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của chế độ phong kiến La Mã và hầu như ít thay đổi theo thời gian. Trước đây Luật lệ, lễ nghi, thiết chế của giáo hội được ghi trong Luật Ca - non gồm 2.000 điều. Đến năm 1983, Giáo hội Công giáo ban hành Bộ giáo luật mới thay thế Luật Ca - Non và trong Bộ Giáo luật năm 1983 quy định về một số luật lệ như sau:
Về 10 điều răn của Thiên chúa: Theo kinh cựu ước, Thiên chúa đã ban cho Maisen 10 điều răn, khắc vào bia đá để làm luật pháp cai trị dân Do Thái. 10 điều răn đó là: (1) Phải thờ kính Thiên chúa trên hết mọi sự; (2) không được lấy danh Thiên chúa để làm những việc phàm tục, tầm thường; (3) giành ngày chủ nhật để thờ kính Thiên chúa; (4) thảo kính cha mẹ; (5) không được giết người; (6) không được dâm dục; (7) không được gian tham, lấy của người khác; (
😎
không được làm chứng dối, che dấu sự gian đối; (9) không được ham muốn vợ (hoặc chồng) người khác; (10) không được ham muốn của cải trái lẽ. Mười điều răn này quy lại thành hai điều được coi là tôn chỉ của đạo Công giáo đó là: Kính chúa, yêu người.
Về 06 điều răn của giáo hội: (1) Xem lễ ngày chủ nhật và các ngày lễ buộc; (2) kiêng việc xác ngày chủ nhật; (3) xưng tội mỗi năm một lần; (4) chịu lễ mùa Phục sinh; (5) giữ chay những ngày quy định; (6) kiêng ăn thịt những ngày quy định.
Bên cạnh các điều răn, Giáo hội còn quy định các quan hệ đối với đồng đạo, đối với đồng loại và đối với chính bản thân mình và coi đó là những quy phạm đạo đức mà mỗi tín đồ phải thực hiện, cụ thể là: Lấy điều thiện mà khuyên người; hướng dẫn cho kẻ mê muội; tha thứ cho kẻ khinh rẻ mình; nhịn kẻ xúc phạm đến mình; răn bảo kẻ tội lỗi; an ủi người lo âu; cầu nguyện cho người sống; cho kẻ đói ăn; cho kẻ khát uống; cho kẻ rách mặc; cho khách ở nhờ; cho người làm thuê; thăm viếng người hoạn nạn; chôn táng người chết; khiêm nhường; không hà tiện; đoan chính; không tị hiềm; siêng năng; ăn uống điều độ.
Như vậy cho thấy những điều răn trong kinh thánh và của giáo hội như đã nêu ở trên không chỉ hướng dẫn con dân của Chúa thực hiện trong sinh hoạt tôn giáo mà còn là những quy chuẩn đạo đức trong quan hệ đồng đạo và xã hội của người công giáo.
Thứ ba: về luật lệ của đạo Tin lành
Trong đời sống tín ngưỡng, đạo Tin lành là một tôn giáo tuyệt đối đề cao lý trí trong đức tin, cho rằng sự cứu rỗi chỉ đến bởi đức tin mà không phải bởi hình thức ngoại tại (tức là không phải vì các luật lệ, lễ nghi). Do đó luật lệ của đạo Tin lành đơn giản, không cầu kỳ như đạo Công giáo. Trong khi đạo Công giáo cho rằng con người không những phải làm việc thiện theo các điều răn mà còn phải hãm mình để chuộc tội thì đạo Tin lành lại quan niệm rằng việc chuộc tội cho loài người đã có chúa Giê Su làm trọn rồi. Con người làm việc thiện là để tỏ ra xứng đáng với thiên chúa và con người phải có đức tin mới được cứu vớt.
Trong đạo Tin lành, mặc dù có rất nhiều hệ phái khác nhau, nhưng tất cả các hệ phái Tin lành đều sử dụng 10 điều răn của Thiên chúa được nêu trong kinh cựu ước (như đạo Công giáo) để giáo dục tín đồ làm lành, tránh dữ. Bên cạnh đó, tùy theo nội quy, quy chế hoạt động mà mỗi hệ phái Tin lành có những quy chuẩn, chuẩn mực riêng để giáo dục tín đồ của tôn giáo mình.
Thứ tư: về luật lệ của đạo Cao đài
Luật lệ của đạo Cao đài được ghi trong các sách: Đại thừa chân giáo, Ngọc đế chân truyền, Pháp chánh truyền, Tân luật, Thánh ngôn hợp tuyển. Trong khi các hệ phái Cao đài như: Cao đài Tây Ninh, Cao đài Tiên thiên, Cao đài Ban Chỉnh đạo, Cao đài Minh chơn đạo chủ yếu dựa vào Tân luật, Pháp chánh truyền, Thánh ngôn hợp tuyển để răn dạy đạo hữu; thì các phái như: Cao đài Thượng đế, cao đài Bạch y liên đoàn Chơn lý, cao đài Chiếu Minh lại chủ yếu dựa vào Đại thừa chân giáo, Ngọc đế chân truyền để răn dạy đạo hữu. Do đó các hệ phái Cao đài ít nhiều có sự khác nhau về luật lệ, lễ nghi...Tuy nhiên, luật lệ của đạo Cao đài có một số nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất: Về ngũ giới cấm - 05 điều kiêng kị: (1) bất sát sinh (không được sát hại cuộc sống của loài vật); (2) bất du đạo (không được trộm cắp, tham lam, lừa gạt, hại ngườ); (3) bất tửu nhục (không được uống rượu, ăn thịt quá độ say sưa mà dẫn đến những việc làm tội lỗi); (4) bất tà dâm ( không được lấy vợ (hoặc chồng) của người khác, không được đàng điếm, xúi giục người khác vi phạm luân thường đạo lý); (5) bất vọng ngữ ( không được nói dối, nói thô tục, nói không giữ lời).
Thứ hai: về tứ đại điều quy - 04 điều trau dồi đức hạnh: (1) phải tuân theo lời dạy của bề trên, lấy lẽ hòa người. Lỡ lầm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt; (2) chớ khoe tài kiêu ngạo, quên mình mà làm nên cho kẻ khác. Giúp người nên đạo. Chớ che lấp người hiền; (3) Tiền bạc xuất nhập phân minh, đừng vay mượn không trả; (4) Trước mặt, sau lưng đều đồng một bậc, đừng kính trước rồi khinh sau. Đừng cậy quyền mà yểm tài người. Bốn điều trên được hiểu đức hạnh của một đạo hữu Cao đài đó là: ôn hòa, cung kính, khiêm tốn, nhường nhịn.
Bên cạnh đó, đạo Cao đài còn còn rất chủ trọng đến việc giáo dục tín đồ về đạo đức theo tiêu chuẩn đạo đức của Nho giáo như: tam cương (quân, phu, phụ: vua - tôi, cha- con, vợ- chồng) ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín); đối với phụ nữ thì tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh)...
Qua tìm hiểu về giới luật, luật lệ của một số tôn giáo cho chúng ta thấy, các tôn giáo đã đề cập đến những vấn đề đạo đức cụ thể của cuộc sống thế tục và ít nhiều mang giá trị có tính nhân văn. Trên thực tế, những giá trị, chuẩn mực đạo đức quy định trong giáo luật, luật lệ của các tôn giáo đã có ý nghĩa nhất định trong việc duy trì đạo đức xã hội. Mỗi tín đồ tôn giáo khi chấp hành nghiêm giới luật, giáo lý của tôn giáo mình sẽ giúp họ sống, ứng xử đúng đạo lý, góp phần làm cho xã hội ngày càng ổn định và văn minh.


Tất cả cảm xúc
TÌM HIỂU VỀ GIỚI LUẬT, LUẬT LỆ CỦA MỘT SỐ TÔN GIÁO TÌM HIỂU VỀ GIỚI LUẬT, LUẬT LỆ CỦA MỘT SỐ TÔN GIÁO Reviewed by thuần Việt on tháng 2 21, 2023 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Trang chủ. Hình ảnh chủ đề của 5ugarless. Được tạo bởi Blogger.