KHÔNG SỢ KẺ THÙ, CHỈ SỢ BỊ LÃNG QUÊN
Và chúng ta đã lãng quên nhanh như thế nào? Các bạn đã nghe đến Thượng tướng Nguyễn Thành Cung (Năm Cung) chưa? Một vị tướng đi lên từ chiến trận, tham gia du kích từ tuổi 15, tham chiến Mậu Thân 68, Xuân Hè 72, Xuân 1975, chống Khmer Đỏ xâm lược. Hay bác Vũ Oanh - tham gia Việt Minh, trực tiếp làm việc với Bác và đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến đấu qua 3 cuộc chiến, là một trong những người đứng đầu cải cách 1986?
Trong sách giáo khoa, chúng ta được học về những chiến thắng và chiến công. Nhưng bên ngoài những điều đó, chúng ta không được học về những vết thương thời hậu chiến mà không phải do bom đạn gây ra, không được học về những ám ảnh của những cựu chiến binh khi tái hòa nhập với cuộc sống thường nhật, không được học về những trải nghiệm đứng trước những ngôi mộ của đồng đội trong khi bản thân còn sống… Mà có được học, thì cũng chẳng có từ ngữ nào có thể mô tả được.
Chiến tranh liệu đã kết thúc hay chưa? Về mặt lịch sử và bối cảnh thì có, nhưng với rất nhiều cựu chiến binh, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc… Hàng triệu cựu chiến binh vẫn còn sống, hàng chục ngàn gia đình vẫn đang đợi hài cốt người thân trở về, bom mìn vẫn còn rải rác ở nhiều nơi… Người Việt Nam đã không còn những cảm nhận về chiến tranh nữa, nhưng nhiều người sống giữa chúng ta, vẫn chịu đựng, cảm thấy, nghe thấy và thậm chí là mơ thấy những ám ảnh chiến tranh.
“Tôi không bao giờ nói về chiến tranh. Không ai hỏi. Mọi người không muốn nghe về nó” - đó là lời tâm sự của cựu chiến binh Phạm Vĩnh Cát, một quân y trong quân Giải phóng, người đã cứu hàng trăm người trong Mậu Thân 1968. Mậu Thân 1968 quá quyết liệt, số người thiệt mạng rất lớn, điều kiện thiếu thốn khiến rất nhiều chiến sĩ thiệt mạng…Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng bác vẫn không thể quên khung cảnh những đồng đội đã hy sinh ở ngay trong vòng tay của bác. Không có niềm đau đau nào lớn hơn việc động đội ở trước mắt mà không cứu được.
Bác Phạm Văn Tam, một cựu chiến binh đã 84 tuổi, vung cành cây mô tả lớp ngụy trang khi tấn công cứ điểm địch. Bác vừa cười vừa làm động tác tiến công: “Đạn bay tứ phía. Chúng tôi an ủi với nhau rằng không cần phải tránh đạn. Đạn sẽ tự tránh”. Bác làm những động tác rất mau lẹ vì lâu lắm rồi, mới có người quan tâm đến những trải nghiệm chiến tranh đã từ mấy chục năm trước của bác.
Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp đã biến ngôi nhà đơn giản thành một “phòng lưu trữ ký ức chiến tranh”, nơi đây có trang phục của bác và đồng đội, những tấm ảnh chiến trường và với thủ trưởng, huân huy chương đủ loại, máy liên lạc vô tuyến cũ, đôi dép nhựa màu đen, mũ sắt của quân địch, chiếc chăn bông hồi còn nằm co ro tại hang động ở trên dãy Trường… Nhưng căn phòng ấy dường như chỉ có một mình bác”vừa làm chủ, vừa là khách”, thi thoảng sẽ có một vài đồng đội đến thăm thú, nhưng đám trẻ thì không hứng thú, còn bảo rằng những kỷ vật ấy là “đống đồ cũ”.
“Giới trẻ Việt Nam không muốn tìm hiểu về chiến tranh. Thật khó để chúng ta nói về nó” - Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp.
Lịch sử dường như đã bị lãng quên quá nhanh chóng, có quá nhiều điều khiến cho chúng ta còn quên nhanh hơn. Ví như câu chuyện những thương binh giả cùng với những chiếc xe ba gác đang tung hoành đường phố Hà Nội, hình ảnh đó khiến những người cựu chiến binh chân chính bị tổn thương. Như câu chuyện của cựu chiến binh Phạm Văn Long, bác bị đứa cháu đang học tiểu học hỏi rằng có phải là bạn của một “thương binh” tụt quần đòi nợ ở gần nhà hay không, vì thấy mặc đồ có màu giống nhau. Những người thương binh chân chính sẽ không giờ làm những chuyện như vậy, nhưng nhiều người không biết chuyện đó, họ đánh đồng và chỉ trích.
Tại một trung tâm hỗ trợ thương binh ở Duy Tiên, có những con người mười tám, đôi mươi đã phải chịu thương tật nên đến 97%, họ chưa yêu ai hoặc đã có người yêu nhưng phải bỏ dở những tình yêu ấy, họ không lập gia đình, sống ở trung tâm này đã mấy chục năm… Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi với những người như họ. Một bữa cơm giữa những con người đã từng vào sinh ra tử sao mà nhẹ nhàng, những câu chuyện có khi cũng chỉ lặp lại giữa những con người già mà trí nhớ đã bị đứt thành từng phân đoạn.
“Những người lính già ấy, nói về chiến tranh với một vẻ đầy bình thản. Nhưng họ chua chát khi nói về sự lãng quên. Chính bản thân họ, sau bao nhiêu năm, cũng không cưỡng lại được sự phai mờ của ký ức. Họ sợ sự quên ấy, chứ không sợ kẻ thù…”
KHÔNG SỢ KẺ THÙ, CHỈ SỢ BỊ LÃNG QUÊN
Reviewed by thuần Việt
on
tháng 12 04, 2022
Rating:
Không có nhận xét nào: