NHỮNG CON NGƯỜI Ở LẠI LÀM NHIỆM VỤ CỨU CHỮA ĐỒNG BÀO RỒI MẤT DƯỚI LÀN BOM B-52
Bức ảnh chụp ngày 09/01/1973 ghi lại lễ tang tập thể tại bệnh viện Bạch Mai, nhằm tri ân những y bác sĩ, công nhân viên đã hy sinh dưới làn bom đạn B-52 vào tháng 12/1972. Tại buổi hôm ấy, một tấm áp phích mang dòng chữ “Nixon phải trả nợ máu” được dựng như là một chứng tích….
Ngày hôm ấy, những người còn sống khóc thương cho những người đã mất, nhưng không phải mất vì bệnh tật mà vì bom đạn. Bệnh viện không phải là cứ điểm quân sự, các y bác sĩ và công nhân không phải là những người lính… vậy mà họ lại nằm xuống một cách đầy oan nghiệt bởi các hành động phi đạo đức và trái với “luật pháp quốc tế”.
Nạn nhân đầu tiên tại Bạch Mai nằm xuống dưới làn bom đạn là hộ lý Hoàng Thị Thoa, một người mẹ của 4 đứa con nhỏ, đứa con bé nhất vừa lên 2 tuổi… Trước đó, chị được đề nghị di tản về cơ sở ngoại ô vì có nhiều con nhỏ, nhưng chị vẫn xin ở lại để hỗ trợ đồng bào. Thi thể của chị nằm chắn ngang lối vào hầm, các y bác sĩ phải cắt thi thể của chị để cứu những nạn nhân còn sống ở bên trong. Vừa cắt thi thể chị, những y bác sĩ vừa rơi nước mắt… Một nạn nhân khác là chị Nguyễn Thị Hợi, nhân viên khoa Da Liễu, thi thể của chị bị dập nát không thể cứu được, rồi chị nhắm mắt và để lại 5 đứa con mồ côi. Sau đó, 17 nạn nhân từ hầm ngầm Bạch Mai được mang lên nhận dạng…
Có người vừa mới cưới được 2 tháng, nhận được tin mang thai vào hôm trước rồi hai mẹ con thiệt mạng do bị đè nát dưới một tảng bê tông lớn … Có người vừa nhận được tin chồng hy sinh ngoài mặt trận rồi bom đạn đã mang chị đi theo chồng, có hai người bạn thân đi đâu cũng có nhau rồi họ thiệt mạng dưới hầm khi các bàn tay vẫn đan chặt vào nhau.
Bạch Mai năm ấy có một chị thợ điện là Mai Thị Tuyết, chồng chị đi chiến khu B. Mỗi khi có báo động, chị Tuyết liều mình đi đóng các cầu dao điện để hạn chế cháy nổ… Và rồi, bom từ B-52 đã cướp đi người nữ thợ điện hiếm hoi của Hà Nội năm ấy. Sau đó, chồng chị cũng hy sinh ở mặt trận và 3 người con của anh chị trở thành trẻ mồ côi. Một bác sĩ nộp đơn tình nguyện đến Vĩnh Linh, ít ngày nữa sẽ ra trận nhưng anh đã nằm lại tại Bạch Mai cùng 2 người bạn khác, ước mơ dang dở...
Tất cả những người đã mất đều tình nguyện ở lại...! Họ không sợ bom đạn, họ sợ đồng bào không được cứu chữa kịp thời.
Mùa Đông 1972 lạnh lắm, không phải chỉ vì gió mùa Đông Bắc mà còn lạnh vì có quá nhiều người ra đi, lạnh vì sự ám ảnh đối với những người còn sống… Những người vừa làm công tác cứu chữa bệnh nhân, vừa phải dùng tay trần để đào bới tìm đồng nghiệp. Chứng kiến những hình ảnh này, hai cựu chiến binh Joan Baez và Barry Romo chống chiến tranh Việt Nam viết lại rằng: “Lần đầu tiên B-52 ném bom Bạch Mai, họ nói ở đó không có bệnh viện. Lần thứ hai, họ nói rằng đó là trạm sơ cứu. Lần thứ ba, họ nói là bệnh viện nhưng bị máy bay MiG bao vây nên phải ném bom. Tôi đã ở đó. Chúng tôi đã chụp ảnh. Không có MiG. Đây là những lời nói dối tuyệt đối….”.
Bom đạn đã khiến rất nhiều người nằm xuống, nhưng không thể làm những còn sống gục ngã. Các y bác sĩ vấn tiếp tục làm việc, cứu chữa bệnh nhân, vừa dùng tay trần đào bới gạch đá tìm đồng nghiệp còn lại… Bạch Mai có thể bị hủy diệt nhiều lần nhưng tinh thần của những con người ở đó thì không bao giờ.
Chiến tranh là gì mà sao những y bác sĩ, công nhân viên lại phải ra đi nhiều như vậy? Mục đích của những tội ác là gì mà sao cứ khiến dân tộc chúng tôi phải chịu đau thương? Thậm chí, có những người không bao giờ cầm súng, không bao giờ biết hình thù của viên đạn cũng phải chịu chung một số phận là thi thể không toàn thây.
50 năm đã trôi qua, những dấu tích cũ đã không còn, Bạch Mai hiện nay đã là một Bạch Mai khác. Nhưng vẫn còn một tượng đài tưởng niệm những y bác sĩ, công nhân viên, bệnh nhân đã nằm dưới bom đạn vào ngày hôm ấy, đang nghi ngút khói hương những ngày này... Nếu ai đi qua, xin hãy dừng lại chắp tay và nguyện cầu cho những con người đã khuất.
NHỮNG CON NGƯỜI Ở LẠI LÀM NHIỆM VỤ CỨU CHỮA ĐỒNG BÀO RỒI MẤT DƯỚI LÀN BOM B-52
Reviewed by thuần Việt
on
tháng 12 18, 2022
Rating:
Không có nhận xét nào: