TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI - TỆ NẠN XÃ HỘI

 Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, mua bán người nói riêng có những diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.

VẬY TỆ NẠN MUA BÁN NGƯỜI LÀ GÌ ?
Theo luật pháp quốc tế (Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia): “Mua bán người” có nghĩa là việc tuyển mộ, vận chuyển, bóc lột bằng cách đe dọa bằng vũ lực hoặc các hình chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích thức khác như ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực, hay bằng việc đưa tiền hoặc nhận tiền của một người để có quyền kiểm soát người khác.
Theo pháp luật Việt Nam: Theo điều 150- Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội mua bán người có thể định nghĩa mua bán người là việc “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện các hành vi:
(1) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
(2) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
(3) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
A. HOẠT ĐỘNG MUA BÁN NGƯỜI
1. Nạn nhân của mua bán người:
Bất kỳ ai, nếu thiếu hiểu biết và mất cảnh giác, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đều có thể trở thành nạn nhân của mua bán người.
Qua số liệu phân tích của Tổng cục cảnh sát - Bộ công an giai đoạn 2011-2016 cho thấy nạn nhân mua bán người ở nước ta gồm 02 thành phần chủ yếu:
Thứ nhất là học sinh, sinh viên chủ yếu ở các trường cao đẳng dạy nghề, trường dân tộc nội trú, là con em dân tộc của tỉnh miền núi, sống tập trung tại ký túc của trường hoặc trọ trong các khu dân cư, thiếu sự quản lý của gia đình, ít hiểu biết xã hội, nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác bị đối tượng xấu hoặc bạn bè rủ rê lừa bán ra nước ngoài;
Thứ hai là những thanh thiếu niên (80% là nữ) có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, ít hiểu biết xã hội, thiếu giáo dục tu dưỡng, lười lao động, dua đòi lêu lổng, thích ra nước ngoài du lịch, mua sắm…
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2011 đến năm 2015, Cục cảnh sát Hình sự Malaysia đã bắt, xử lý 13.000 phụ nữ Việt Nam bị lừa đưa sang Malaysia bán vào các động mại dâm; năm 2012 Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Trú tại Tp Hồ Chí Minh) cầm đầu đường dây lừa bán 40 phụ nữ; năm 2012 các đối tượng người Mông, Tày (Trung Quốc) lừa 72 thanh niên dân tộc thiểu số thuộc một số tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… sang lao động rồi nhốt để cưỡng bức lao động; Năm 2011, Công An thành phố Cần Thơ đã khám phá đường dây bắt 9 đối tượng do Võ Văn Tần (trú tại thành phố Hồ chí Minh) cầm đầu đã lừa đưa 75 thanh niên thuộc các tỉnh Miền tây sang Trung Quốc bán thận; năm 2015, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp cơ quan chức năng phá đường dây mua bán người dạng môi giới lấy chồng, lừa bán 166 phụ nữ Việt Nam sang Trung quốc làm vợ bất hợp pháp…
2. Đối tượng phạm tội:
Gồm nhiều đối tượng, thành phần khác nhau:
(1) Chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp có tiền án tiền sự (chiếm 20%), cò mồi, môi giới câu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng biên giới để câu kết, lôi kéo nạn nhân;
(2) Đối tượng là người nước ngoài thông qua con đường hợp pháp (du lịch, thăm thân, ký kết làm ăn kinh tế) hoặc vào nước ta một cách bất hợp pháp tìm cách tiếp cận, dụ dụ;
(3) Một số người từng là nạn nhân, do hám lợi khi về nước tìm cách móc nối, tìm kiếm, hình thành đường dây mua bán người đưa ra nước ngoài;
(4) Một số đối tượng thuộc địa bàn biên giới, hám tiền tiếp tay, đồng phạm với đối tượng phạm tội.
3. Thủ đoạn của những kẻ mua bán người
- Hứa hẹn tìm việc làm nhàn hạ có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc nhà (ở trong nước hoặc nước ngoài);
- Rủ đi làm ăn xa, buôn bán gần biên giới; Bị bạn trai giả yêu để lừa bán
- Môi giới hôn nhân với người nước ngoài (Nhiều cô gái ở vùng quê nghèo bị hấp dẫn bởi những lời quảng cáo lấy chồng nước ngoài, làm việc lương cao)
- Lợi dụng việc xuất khẩu lao động, hoặc đi du lịch ở nước ngoài để lừa đảo;
- Lập tài khoản làm quen trên mạng xã hội rồi khống chế, ép buộc, lừa bán vào động mại dâm hay bán ra nước ngoài (Điển hình là các vụ cứu nét... Hậu quả là nhiều cô gái đã trở thành nạn nhân của cưỡng bức sinh hoạt tình dục, thậm chí bán sang Trung Quốc hành vi này diễn ra một cách có tổ chức rất tinh vi ).
- Mua chuộc bằng cách giúp đỡ tiền bạc rồi ràng buộc vào cảnh nợ nần, bắt nạn nhân phải phụ thuộc vào chúng.
- Thông qua việc nhận con nuôi rồi mang bán (Điển hình là Vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề);
- Ép buộc, cưỡng bức, hoặc đánh thuốc mê đưa đi;
- Giữ hết giấy tờ, tiền bạc để nạn nhân hoàn toàn bị lệ thuộc;
- Đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, qua nhiều nơi để nạn nhân không nhớ được đường.
B. NHỮNG HẬU QUẢ VÀ NGUYÊN NHÂN CỦA TỆ NẠN MUA BÁN NGƯỜI
1. Hậu quả của mua bán người
1.1 Đối với nạn nhân
- Bị ép làm gái mại dâm.
- Bị lạm dụng chất kích thích.
- Bị lấy nội tạng: Những lời quảng cáo hấp dẫn đánh vào tâm lý người nghèo, thiếu hiểu biết, bọn tội phạm lừa mua nội tạng người với giá rẻ bèo và bán lại với giá cắt cổ. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc mua bán trái phép, những tổ chức tội phạm còn có cả những đường dây bắt cóc, buôn bán người, thậm chí lập ra cả những trại nuôi người lấy nội tạng.
- Bị bóc lột về kinh tế, bóc lột sức lao động;
- Bị xâm hại, cưỡng chế;
- Sống bất hợp pháp ở nước sở tại;
- Bị phân biệt đối xử;
- Nguy cơ tử vong cao hoặc mắc các bệnh nghiêm trọng;
- Khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng khi trở về.
1.2 Đối với gia đình nạn nhân
- Tốn kém tiền bạc, thời gian và sức lực để tìm kiếm người thân.
- Hạnh phúc bị tan vỡ, con cái thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ.
- Các thành viên trong gia đình sống trong lo âu, mặc cảm.
- Người thân đi tìm người nhà dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân.
1.3 Đối với cộng đồng, xã hội
- Tỷ lệ người dân di cư bất thường gia tăng;
- Gia tăng hoạt động tội phạm và tổ chức tội phạm;
- Các vấn đề an ninh quốc gia;
- Tội phạm quốc tế gia tăng;
- Người dân sống trong lo âu và sợ hãi
2. Nguyên nhân của tội phạm mua bán người
- Do hám lợi ích vật chất: Từ cả hai phía kẻ buôn người và nạn nhân. Kẻ buôn người bất chấp pháp luật và đạo lý để thực hiện hành vi mua bán người. Nạn nhân, bị hấp dẫn bởi những lợi ích kinh tế mà bọn buôn người đưa ra.
- Đói nghèo và thất nghiệp: Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhu cầu và xu hướng di dân tìm việc làm và thu nhập; Đói nghèo và thất nghiệp dẫn đến những ham hố lợi ích vật chất của nạn nhân đó là những điều kiện thuận lợi cho bọn buôn người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ.
- Hạn chế nhận thức, thiếu thông tin: Trình độ dân trí thấp, hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến các loại hình tội phạm trong đó có nạn mua bán người.
- Thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình: Đây là một nguyên nhân quan trọng. Không ít các gia đình mà bố mẹ chỉ biết chu cấp vật chất đầy đủ cho con cái mà thiếu sự quan tâm, dạy dỗ dẫn đến một bộ phận thanh thiếu niên bị cuốn hút vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật.
- Phân biệt đối xử với phụ nữ: một số chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình do đó bản thân họ muốn thoát khỏi gia đình mình, mái ấm gia đình mình, bỏ đi khỏi nơi cư trú, dễ rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người.
- Mất cân bằng giới tính: Dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ sẽ gia tăng,...
- Chính sách nhập cư: lợi dụng việc di cư, chính sách nhập cư của 1 số quốc gia đây là điều kiện lý tưởng để tội phạm mua bán người hoạt động
- Kinh doanh tình dục: Vì lợi nhuận mang lại quá lớn lên các đối tượng bất chấp pháp luật và đạo lý đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các cô gái trẻ để lừa bán và ép làm gái mại dâm.
- Chiến tranh: Dẫn đến an ninh, chính trị bất ổn, mất nhà cửa, nghèo đói, mất việc làm đó là những điều kiện thuận lợi cho bọn buôn người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ.
C. TRÁCH NHIỆM VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI
1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
1.1 Cá nhân tham gia phòng ngừa MBN (Điều 12 Luật PCMBN)
- Tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người;
- Kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.
1.2 Gia đình tham gia phòng ngừa MBN (Điều 13 Luật PCMBN)
- Cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người;
- Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người;
- Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng;
- Động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.
1.3 Nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia phòng ngừa mua bán người (Điều 14 Luật PCMBN)
- Quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên;
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học;
- Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên, học viên là nạn nhân học văn hóa, học nghề, hòa nhập cộng đồng;
- Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mua bán người.
1.4 Phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ (Điều 15 Luật PCMBN)
- Các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hóa, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng để thực hiện MBN có trách nhiệm:
+ Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động; đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương;
+ Nắm thông tin về đối tượng được cung cấp dịch vụ và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu để phối hợp quản lý;
+ Cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người;
+ Phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của tổ chức, cơ sở mình.
- Người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này phải chấp hành quy định về quản lý hộ khẩu và ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
2. Một số giải pháp phòng, chống mua bán người
Có thể khẳng định phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhưng về mặt bản chất, đa số các vụ lừa nạn nhân nhằm mục đích mua bán đều nhằm vào hai điểm yếu “tình” hoặc “tiền” để đưa nạn nhân vào bẫy. Mặc dù các cấp, các ngành đã quyết liệt vào cuộc; công tác tuyên truyền đã được triển khai rộng khắp trên các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là các địa phương vùng biên giới nhưng hiện nay số vụ mua bán người vẫn có xu hướng tăng. Để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này cần quan tâm một số giải pháp:
- Mọi cá nhân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân để không bị mua, bán. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác hoặc không nhận tiền và tự nguyện trả nợ thay của người lạ mới quen biết. Điều tất yếu là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với bọn tội phạm, kịp thời thông báo cho các cơ quan Công an, cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi, đối tượng nghi vấn phạm tội mua, bán người.
Nên cảnh giác với những mối quan hệ quen biết trên mạng, nhất là với những người không rõ ràng về nhân thân, công việc, quan hệ xã hội... Thận trọng với trường hợp tuy mới quen biết nhưng đã tỏ vẻ yêu quý mình, mong muốn gặp mặt. Khi định đi làm ăn xa hay đi chơi, du lịch, nên kể với một số bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Nên đặt ra những nghi vấn đối với những trường hợp rủ đi làm ăn lương cao nhưng "phải giữ bí mật" với bất cứ lý do nào. Đồng thời cũng nên phải cảnh giác trước những kẻ tuy mới quen trên mạng xã hội, mới xuất hiện ở địa phương, hay mới biết nhau thông qua sự giới thiệu của bạn bè nhưng đã tỏ ra vồ vập, săn đón, hào phóng, tốt bụng…
- Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán người. Bên cạnh tuyên truyền về Luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người… cần chú trọng tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; những dấu hiệu, nguy cơ trở thành nạn nhân và phương thức phòng, tránh khỏi cạm bẫy của tội phạm mua bán người.
Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội !!!


TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI - TỆ NẠN XÃ HỘI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI - TỆ NẠN XÃ HỘI Reviewed by thuần Việt on tháng 12 19, 2022 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Trang chủ. Hình ảnh chủ đề của 5ugarless. Được tạo bởi Blogger.