TOÀN CẢNH CHIẾN DỊCH CQ 88 TẠI TRƯỜNG SA

 Xác định rõ “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân”, toàn quân chủng bước vào chiến dịch “CQ-88″ với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ.

Từ năm 1986, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp.

Cuối tháng 12/1986, Trung Quốc cho máy bay và tàu, trong đó có cả tàu chiến, tiến hành trinh sát, thăm dò từ khu vực đảo Song Tử Tây đến khu vực đảo Thuyền Chài. Philippines đẩy mạnh vận chuyển xây dựng công trình trên các đảo họ chiếm đóng (Song Tử Đông, An Nhơn). Cùng lúc đó ở phía nam Trường Sa, Malaysia bí mật đưa lực lượng ra chiếm đóng bãi đá Kỳ Vân. Đến tháng 1/1987, Malaysia chiếm đóng thêm bãi đá Kiều Ngựa, làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Đảng ủy và Bộ Tư lệnh nhận định có khả năng Trung Quốc và các nước sẽ đóng thêm một số đảo khác.

Đầu tháng 3/1987, Quân chủng điều lực lượng công binh, tàu chiến đấu, tàu vận tải của Vùng 4 và Lữ đoàn 125 ra đóng giữ bảo vệ đảo chìm Thuyền Chài. Ta từng đưa lực lượng ra đóng giữ bảo vệ vị trí này từ năm 1978, song vì điều kiện đảo là bãi đá ngầm, việc bảo đảm cho bộ đội sinh hoạt, chiến đấu gặp rất nhiều khó khăn, nên ta tạm thời rút bộ đội về đất liền.

Tư lệnh Giáp Văn Cương ở đảo Thuyền Chài năm 1988.

Tháng 6/1987, Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự bất thường ở phía nam Biển Đông. Giữa tháng 10-11/1987, họ lại đưa tàu nghiên cứu Hải Dương 4 và một số tàu chiến đi qua các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây; có lúc các tàu này vào cách đảo của ta khoảng một hải lý.

Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Quân chủng ra lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên tăng cường cho Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, yêu cầu các đơn vị đảo phải hết sức cảnh giác, tránh âm mưu khiêu khích của đối phương.

Đảng ủy và Bộ tư lệnh chủ trương phòng thủ quần đảo Trường Sa “Đóng thêm một số đảo xung quanh các đảo đã đóng giữ, để tạo nên sức mạnh của một cụm đảo”. Ngày 25/10/1987, Tư lệnh Quân chủng lệnh cho Vùng 4 nhanh chóng tổ chức lực lượng ra đóng giữ các đảo Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập. Vùng 4 bắt tay ngay vào triển khai nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thời tiết cuối năm gió mùa sóng lớn, phương tiện của ta nhỏ bé, chất lượng kỹ thuật không bảo đảm, hơn nữa các đảo này là những bãi đá ngầm, ta chưa chuẩn bị kịp trang bị phương tiện để tổ chức cho bộ đội đóng giữ, ăn ở sinh hoạt và chiến đấu, nên kế hoạch đóng giữ 4 đảo này chưa thực hiện được.

Ngày 28/10/1987, tàu 613 đưa một phân đội chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146, một trung đội công binh, do đồng chí Nguyễn Trung Cảng, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy ra đóng giữ đảo Đá Tây. Do sóng to gió lớn, gặp khó khăn trong xây dựng công sự chốt giữ, nên sau một thời gian tàu 613 chở bộ đội về Cam Ranh.

Ngày 6/11/1987, Bộ trưởng Quốc phòng ra Mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa, giao cho Quân chủng Hải quân “đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không chờ chỉ thị cấp trên”. Chấp hành lệnh của trên, tháng 12/1987, Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra đóng giữ đảo Đá Tây, khẩn trương đóng các phương tiện chuyển tải và pông-tông là ác căn cứ nổi làm nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ các đảo chìm (bãi đá cạn) trên quần đảo Trường Sa.

Ngày 2/12/1987, tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 đưa bộ đội cùng vật liệu đến xây nhà cấp 3 ở đảo Đá Tây. Sau một thời gian lao động khẩn trương, cán bộ chiến sĩ đã hoàn thành khu nhà ở, nhà trực, tổ chức canh gác, bảo vệ đảo.

Đầu năm 1988, tình hình khu vực Trường Sa đột ngột trở nên căng thẳng. Ngày 9/1/1988, Đảng ủy Quân chủng họp nhận định: Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động quân sự tranh chấp chủ quyền hải đảo, chiếm một số bãi san hô nổi hoặc chìm khi nước lên, xen kẽ với các đảo của ta. Các nước khác có thể tranh chấp thêm các đảo kể cả khi có xung đột với nhau. Cũng có nước có thể chiếm đóng một số đảo nằm giữa Kỳ Vân và Ri-gân. Cuộc tranh chấp đảo đang trở thành nguy cơ trực tiếp đe dọa Việt Nam và các nước trong khu vực. Ở Bắc Bộ, Trung Quốc có thể triển khai thêm khu vực khai thác dầu khí, sử dụng không quân và hải quân bảo vệ gây căng thẳng ở khu vực. Ở vịnh Thái Lan, Hải quân Mỹ thường xuyên qua lại có thể hỗ trợ cho hải quân Thái Lan mở rộng hoạt động, gây mất ổn định, uy hiếp chủ quyền vùng biển, hải đảo của ta ở phía nam.

Ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu gồm hộ vệ tên lửa, tuần dương, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đảo Chữ Thập. Tiếp đó, Trung Quốc đưa lực lượng lớn gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm đậu xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền các nước qua lại để bảo vệ đảo Chữ Thập.

Hải quân Trung Quốc còn tổ chức ba cụm tuyến hoạt động gồm: Cụm phía sau lấy Hoàng Sa làm căn cứ thường xuyên có tàu hộ vệ pháo, hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tuần dương, tàu ngầm và tàu hộ tống nhằm ngăn cản, uy hiếp lực lượng tàu hải quân ta hoạt động ở vịnh Bắc Bộ, gây khó khăn cho ta trong triển khai hoạt động bảo vệ vùng biển phía nam; cụm ngăn chặn lực lượng hải quân ta ở đông bán đảo Cam Ranh, Cù Lao Thu và cụm Chữ Thập âm mưu khống chế ta ở khu vực Trường Sa, nếu có thời cơ phát triển lực lượng xuống khu vực phía nam.

Tàu hải quân xuất phát làm nhiệm vụ ở Trường Sa.

Ngày 23/1/1988, tàu HQ-613 thuộc Vùng 4 hải quân chở lực lượng và vật liệu ra đảo Tiên Nữ. Sau hai ngày vật lộn với sóng to, gió lớn, tàu đến Tiên Nữ. Phương châm xây dựng là làm đến đâu chắc đến đó. Đầu tháng 2/1988, cán bộ chiến sĩ trên đảo hoàn thành nhà ở cấp 3, nơi sinh hoạt, bếp ăn và triển khai phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.

Ngày 27/1/1988, tàu HQ-611 và tàu HQ-712, do đồng chí Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, làm biên đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thế Dân, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 hải quân làm biên đội phó, chỉ huy một đại đội công binh và hai khung đảo của Lữ đoàn 146 đến đóng giữ đảo Chữ Thập.

Ngày 29/1/1988, tàu bị hỏng máy phải dừng lại sửa chữa, đồng chí Nguyễn Thế Dân chuyển sang tàu HQ-07 thuộc Lữ đoàn 171 đi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Đá Lớn. Đồng chí Công Phán ở lại, sau khi tàu sửa chữa xong tiếp tục chỉ huy biên đội tiến về phía Chữ Thập. Sáng 30/1, khi cách đảo 5 hải lý thì phát hiện 4 tàu chiến đấu của Trung Quốc, gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa và 2 tàu hộ vệ pháo ra ngăn cản không cho tiếp cận đảo, có lúc chỉ cách 300m. Tàu ta đành phải quay về Trường Sa Đông, không thực hiện được kế hoạch đóng giữ đảo Chữ Thập.

Cuối tháng 1/1988, tàu HQ-851 và HQ-852 đang bảo dưỡng định kỳ ở nhà máy Ba Son nhận lệnh ra đốc, về Sở chỉ huy Quân chủng ở Cam Ranh nhận nhiệm vụ.

Ngày 31/1/1988, Trung Quốc đưa thêm lực lượng chiếm đóng Chữ Thập, biến đây thành căn cứ để khống chế ta và bộc lộ rõ âm mưu tranh chấp ở Trường Sa. Trước diễn biến mới, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng chủ trương hành động, tập trung cao nhất khả năng lực lượng của Quân chủng vào đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa, chạy đua với thời gian nhanh chóng đóng giữ các đảo theo kế hoạch; đồng thời đề xuất với Đảng, Chính phủ phát động phong trào “Cả nước hướng về Trường Sa”, “Ủng hộ, chi viện Trường Sa và vì Trường Sa”. Đảng ủy Quân chủng xác định rõ lúc này “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân”.

Toàn quân chủng bước vào chiến dịch “CQ-88″ (Chủ quyền – 1988) với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ.

Trong quá trình tham gia và phục vụ chiến dịch CQ-88, thành tích nổi bật của vùng là đơn vị tàu quét mìn HQ-851 thuộc Lữ đoàn 161, dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Hoàng Thái Lan (thuyền trưởng) và Đại úy Đặng Huy Hùng (thuyền phó chính trị), đã hoạt động liên tục 3 tháng 9 ngày bảo vệ chủ quyền vùng biển quần đảo Trường Sa.

Ngày 3/2/1988, khi nằm sửa chữa định kỳ tại nhà máy Ba Son thì tàu HQ-851 nhận lệnh xuất xưởng đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Đúng theo kế hoạch, ngày 6/2, tàu cập cảng Cam Ranh và thuyền trưởng lên nhận lệnh trực tiếp từ Tư lệnh Quân chủng ngay tối hôm đó.

Sau khi giao nhiệm vụ, Tư lệnh nhấn mạnh tình hình rất căng thẳng khẩn trương, ta và đối phương giành giật nhau từng hòn đảo, hai bên có thể nổ súng và các đồng chí có thể hy sinh, nhưng để giữ được đảo cho Tổ quốc mà cần đến 10 chiếc tàu như HQ-851 hy sinh thì ta cũng phải hy sinh. Nếu để mất đảo, sau này có đến 100 tàu như HQ-851 hy sinh thì ta cũng khó lấy lại được đảo. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của nhiệm vụ mới, chi bộ tàu HQ-851 khẩn trương tổ chức quán triệt, xây dựng quyết tâm cho cán bộ và đơn vị, nhanh chóng tiến hành công tác chuẩn bị, nhận thêm vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, dầu, nước.

Ngày 4/2/1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp nhận định: Trung Quốc đã cho quân đóng trên đảo Chữ Thập, trước mắt ta chưa đóng xen kẽ vì họ ngăn chặn ta từ xa. Họ có thể mở rộng phạm vi chiếm đóng sang các đảo Châu Viên, Đá Đông, Đá Nam, Tốc Tan và đóng xen kẽ những bãi đá ta đang đóng giữ. Do đó, ta phải nhanh chóng đưa lực lượng ra đóng giữ Đá Lát, Đá Lớn, Châu Viên. Tình hình nhiệm vụ của Quân chủng ở quần đảo trường Sa khẩn trương, cấp bách.

Được sự đồng ý của trên, Quân chủng thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Cam Ranh, do đồng chí Giáp Văn Cương làm Tư lệnh kiêm tư lệnh Vùng 4. Các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật đều tổ chức bộ phận tiền phương của ngành để kịp thời giải quyết mọi mặt theo yêu cầu đóng giữ, bảo vệ Trường Sa và DK1. Cục Kỹ thuật chỉ đạo nhà máy, xưởng trạm, kho tàng lập các tổ đội sửa chữa động thường trực tại khu vực Cam Ranh, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu và bám theo tàu thuyền các đơn vị để sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho hoạt động đóng giữ, bảo vệ đảo và căn cứ.

Ngày 5/2/1988, lực lượng của ta ra giữ đảo Đá Lát. Ngày 6/2/1988, biên đội tàu HQ-611 và HQ-712 đang neo đậu ở đảo Trường Sa Đông đưa bộ đội đến đóng giữ đảo Đá Lớn.

Ngày 8/2/1988, tàu HQ-851 xuất phát đi làm nhiệm vụ. Trên đường hành quân, một số cán bộ chiến sĩ tỏ ra căng thẳng, chi bộ và chỉ huy tàu tiếp tục tổ chức quán triệt nhiệm vụ, củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu cho toàn chi bộ và tàu. Thực hiện đúng kế hoạch công tác, ngày 10/2, tàu HQ-851 đến đảo Trường Sa Lớn, neo đậu tại đây một đêm, chỉ huy tàu làm việc với chỉ huy đảo, truyền đạt mệnh lệnh của Tư lệnh.

Sáng 11/2, tàu nhổ neo hướng về đảo Trường Sa Đông. Sau khi làm việc với chỉ huy đảo, tàu tiếp tục hành trình đến đảo chìm Đá Đông. Đến đảo Đá Đông, tàu HQ-851 tiến hành hoạt động khảo sát đo độ sâu, xác định các khu vực neo đậu và chốt lại ở đây, trực bảo vệ đảo.

Ngày 13/2, Lữ đoàn 125 cho tàu HQ-505 kéo tàu LCU-556 cùng bộ phận làm nhà cao chân đóng giữ đảo Đá Lớn. Lực lượng ta đang tiến về phía đảo thì phát hiện tàu khu trục và hai tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc cũng hướng đến Đá Lớn. Khi ta cách Đá Lớn khoảng 4 hải lý, tàu Trung Quốc thả thủy lôi ngăn cản, uy hiếp ta. Trước tình hình đó, ban chỉ huy tàu HQ-505 họp nhận định Trung Quốc chưa biết ý đồ của ta, việc thị uy không liên quan đến hành trình, ta cứ cho tàu chạy theo hướng đã định. Tàu HQ-505 bình tĩnh, khôn khéo đưa LCU-556 tiếp tục tiến về phía bắc đảo.

Ngày 15/2/1988 (ngày 29 Tết âm lịch năm 1988), tàu vận tải HQ-614 Vùng 4 tới đảo Đá Đông kết hợp với tàu HQ-851 lập thành biên đội, do Sở chỉ huy tiền phương của Vùng 4 đang ở tàu HQ-614. Sở chỉ huy tiền phương của Vùng 4 gồm Đại tá Lê Văn Thư, Chỉ huy trưởng Vùng 4; Trung tá Nguyễn Văn Dân, Phó tham mưu trưởng Vùng và Trung tá Lê Xuân Bạ, Phó chủ nhiệm chính trị Vùng. Vừa làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo, biên đội vừa triển khai cho bộ đội ở hai tàu ăn tết đón xuân tại đảo Đá Đông.

Ngày 17/2/1988, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh di chuyển bộ phận quan trọng các cơ quan Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Kỹ thuật, Cục Hậu cần vào Cam Ranh. Đặt Sở chỉ huy Quân chủng lại đây để trực tiếp chỉ huy các lực lượng đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Tàu tên lửa Trung Quốc (trái) uy hiếp tàu vận tải Việt Nam.

Sau ba ngày đón tết, đến ngày 18/2, tàu HQ-851 và HQ-614 nhận lệnh đến chốt giữ, bảo vệ đảo Châu Viên. Biên đội tới đảo lúc 12h ngày 18/2, tàu HQ-614 hạ xuồng chở 7 cán bộ chiến sĩ lên đảo cắm cờ Tổ quốc; nước biển cường, anh em thay nhau xuống đảo giữ cờ. Trời tối dần, nước biển lên cao, bãi đá chìm sâu dưới nước, sóng to, anh em giữ cờ Tổ quốc ướt rét, đói, buộc phải quay về tàu. Lúc này, HQ-851 bị rê neo trôi dần ra xa. Biên đội quyết định đưa tàu về đảo Đá Đông.

23h ngày 18/2, hai tàu tới chốt giữ đảo Đá Đông thì nhận được điện của Sở chỉ huy Quân chủng lệnh “cho tàu quay trở lại đảo Châu Viên, bằng mọi giá ủi bãi, chấp hành, không được hỏi lại”. Tình huống hết sức khẩn trương, 1h ngày 19/2, hai tàu nhổ neo tiến về đảo Châu Viên.

Biên đội trở lại Châu Viên lúc 5h ngày 19/2, tàu HQ-851 được lệnh ủi bãi. Tàu cơ động vào đảo, 3 tàu chiến Trung Quốc lao đến cắt mũi ngăn chặn; cán bộ chiến sĩ tàu HQ-851 không nao núng, tiếp tục điều khiển tàu tìm cách tiếp cận đảo, trong khi tàu đối phương vẫn hung hãn kèm sát, quay súng chĩa thẳng về đài chỉ huy tàu ta đe dọa.

12h ngày 19/2, Sở chỉ huy điện cho tàu HQ-851: “Tiếp tục ủi bãi, Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên các đồng chí”. Tàu ta và đối phương giằng co quanh đảo Châu Viên. 3 tàu lớn của Trung Quốc chiếm ưu thế vượt trội đã áp sát và cản trở, khiến tàu HQ-851 không thực hiện được hành động ủi bãi. Tới 16h, tàu HQ-851 bị hỏng một máy chính và 2 máy phụ, tình hình càng khó khăn hơn.

Sở chỉ huy tiền phương Vùng 4 nhận định sức cơ động của tàu ta ngày càng kém, sức khỏe bộ đội cũng mỗi lúc một yếu, tàu đối phương mạnh hơn, nhiều hơn và quyết ngăn chặn ta ủi bãi đảo Châu Viên. Trong khi đó, đảo Đá Đông có vị trí cũng rất quan trọng, gần đảo Trường Sa Đông hơn Châu Viên, nếu ta cứ giằng co với đối phương ở đảo Châu Viên thì chưa chắc giữ được mà có thể còn mất cả đảo Đá Đông. Đồng chí Lê Văn Thư quyết định cho hai tàu quay trở lại đóng giữ đảo Đá Đông trong lúc đối phương tập trung lực lượng ở Châu Viên. Trung Quốc chiếm được đảo Châu Viên vào ngày 19/2.

18h ngày 19/2, các tàu HQ-851 và HQ-614 quay trở lại đảo Đá Đông, lập tức triển khai đóng giữ đảo. Tàu HQ-614 nhanh chóng cơ động vào vị trí đổ bộ, 10 cán bộ chiến sĩ do đồng chí Dân chỉ huy đổ bộ lên đảo, cắm cờ và xây dựng công sự chiến đấu. Tàu HQ-851 tiến vào vị trí chiến đấu, làm nhiệm vụ bảo vệ tàu HQ-614 thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhà, công sự phòng thủ trên đảo Đá Đông. Lúc đó là 18h30 ngày 19/2.

Những ngày sau đó, tàu HQ-851 trực bảo vệ đảo và các lực lượng của Quân chủng tập kết vật liệu xây dựng công trình trên đảo Đá Đông cùng tàu HQ-614.

Ngày 20/2/1988, lực lượng đơn vị tàu chiến đấu, vận tải, công binh, bộ binh của Quân chủng Hải quân vượt qua mọi sự ngăn cản khiêu khích của tàu Trung Quốc, nhanh chóng triển khai đóng giữ đảo Đá Lát.

Cũng trong ngày 20/2, sau khi quan sát thăm dò luồng, tàu LCU-556 tiến vào phía nam Đá Lớn an toàn. Cùng thời gian này, tàu Đại Lãnh của Công ty trục vớt cứu hộ Sài Gòn kéo tàu HQ-582 và pông-tông Đ02 đi Đá Lớn. Ngày 27/2, tàu xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 1/3, pông-tông Đ02 vào vị trí phía bắc đảo Đá Lớn. Ngày 21/2/1988, cán bộ chiến sĩ trên pông-tông Đ02 và lực lượng trên tàu LCU đã đến triển khai lực lượng, xây dựng thế trận phòng thủ bảo vệ đảo Đá Lớn.

Ngày 21/2/1988, Tư lệnh Quân chủng ra lệnh cho Vùng 3 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên tăng cường. Riêng Lữ đoàn 162 và Hải đội tàu tên lửa 131 của Lữ đoàn 172 Vùng 1 vào tăng cường cho Vùng 3 từ tháng 1/1988 được chuyển trạng thái từ thường xuyên lên cao.

Toàn vùng và lực lượng tàu phóng lôi, tên lửa, tàu quét mìn nhanh chóng thực hiện các biện pháp chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu theo quy định. Các trạm radar chuyển sang hoạt động quan sát theo phương án tăng cường, công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho sẵn sàng chiến đấu được khẩn trương tiến hành.

Sau hai ngày, các tàu được bổ sung đủ định mức cơ bản về đạn, lương thực, thực phẩm và nhiên liệu. Công tác bảo đảm kỹ thuật đã hợp đồng với Xưởng 50 và phát huy khả năng sửa chữa tại các trạm của vùng, sự giúp đỡ chi viện của chuyên gia Liên Xô nhanh chóng khắc phục, sửa chữa hư hỏng của các tàu chiến đấu và chuẩn bị vũ khí chiến đấu. Bảo đảm tốt cho 4 tàu tên lửa 205E (HQ-358, HQ-359, HQ-360, HQ-361), 4 tàu phóng lôi 206ME (HQ-331, HQ-333, HQ-334, HQ-335), 2 tàu quét mìn 1265E và 1258E (HQ-861, HQ-816), 2 tàu cá HQ-669, HQ-670 và 2 tàu đổ bộ LCU-455/458, sẵn sàng làm nhiệm vụ theo mệnh lệnh của Quân chủng. Các trạm vũ khí 63, 67 chuẩn bị xong 11 quả ngư lôi, trong đó có 4 quả nạp dầu T1, và 14 quả tên lửa chờ lệnh nạp khí ô-gơ.

Ngày 26/2, Trung Quốc chiếm thêm đảo Ga Ven. Cùng ngày, Việt Nam đóng giữ đảo Tiên Nữ, sang ngày 27/2, ta chốt giữ thêm đảo Tốc Tan.

Ngày 2/3, ta tổ chức đóng giữ thêm đảo Núi Le, bước đầu tạo được thế đứng chân trên các khu vực quan trọng thuộc quần đảo Trường Sa để ngăn chặn các nước khác mở rộng phạm vi lấn chiếm. Đến tháng 3/1988, lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã triển khai xây dựng xong thế trận phòng thủ trên đảo Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Tiên Nữ và Đá Lớn, đưa tổng số đảo đóng giữ của ta lên 16, gồm 9 đảo nổi và 7 đảo chìm.

Trong thời gian đầu tháng 3, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động thường xuyên lên 9-12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn với ý đồ chiếm giữ 3 đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Ngày 4/3/1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp nhận định: Trung Quốc đã cho quân chiếm giữ Chữ Thập, Châu viên, Ga ven, Xu Bi, Huy Gơ. Ta xây dựng thế trận phòng thủ ở các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của Trung Quốc ra các đảo lân cận. Song đối phương có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và đông kinh tuyến 115 độ.

Thường vụ xác định: Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại, tiếp tế và bảo vệ chủ quyền của ta ở quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khẩn trương, bởi hải quân ta phải cùng lúc triển khai đóng giữ cả 3 đảo trong điều kiện phương tiện, trang bị cũ kỹ, thô sơ, lực lượng hạn chế. Thường vụ Đảng ủy Quân chủng giao cho Lữ đoàn 125 cử lực lượng thực hiện nhiệm vụ này.

19h ngày 11/3, tàu HQ-604 rời cảng ra đảo Gạc Ma để thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch CQ-88.

Ngày 12/3, tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6h ngày 14/3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5h ngày 14/3 và cắm cờ Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ đóng giữ Gạc Ma và Cô Lin, 9h ngày 13/3, tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được lệnh cơ động từ đảo Đá Lớn. Phối hợp với HQ-505 và HQ-604 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn công binh 83, bốn tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146 do Phó Lữ đoàn trưởng Trần Đức Thông chỉ huy, 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tổng tham mưu). Sau khi hai tàu Việt Nam thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, có lúc đôi bên chỉ cách nhau 500 m.

17h ngày 13/3, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang. Hai tàu HQ-604 và HQ-505 kiên trì neo giữ quanh đảo. Nhiều tàu chiến Trung Quốc thay nhau cơ động quanh đảo Gạc Ma.

Trước tình hình căng thẳng do Trung Quốc gây ra, lúc 21h ngày 13/3, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho thuyền trưởng Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững đảo Gạc Ma, Cô Lin.

Bộ Tư lệnh Hải quân cũng chỉ thị cho công binh khẩn trương dùng xuồng chuyển vật liệu xây dựng lên đảo ngay trong đêm 13/3. Tàu HQ-604 cùng lực lượng công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên Gạc Ma, tiếp đó lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.

Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 hộ vệ hạm trang bị pháo 100 mm đến hỗ trợ lực lượng từ trước, yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi đảo Gạc Ma. Ban chỉ huy tàu HQ-604 họp nhận định Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp, quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.

Ngày 14/3, chiến sự diễn ra ác liệt tại khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao.

Tại đảo Gạc Ma, lúc 7h ngày 14/3, Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, từ tàu HQ-604 đang thả neo phát hiện bốn tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Tổ 3 người gồm thiếu úy Trần Văn Phương cùng hai thủy thủ là Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Lanh đang leo lên 4 gành đá cao tìm cách dựng cột cờ thì chiến hạm Trung Quốc đã tới gần đảo.

4 tàu chiến Trung Quốc bao quanh đảo và hú còi báo động, thủy thủ Trung Quốc trông rất dữ tợn nhảy lên các dàn súng đại liên, quay mũi súng chĩa vào lính hải quân Việt Nam. Hai tàu chiến Trung Quốc tiến gần và chặn đường rút lui của HQ-605 và HQ-505, trong khi hai xuồng máy chở 8 lính vũ trang mặc đồ rằn ri của Trung Quốc lao nhanh vào đảo. Thiếu tá Trần Ðức Thông lập tức ra lệnh cho thủy thủ HQ-604 lên đảo ứng chiến, bảo vệ thiếu úy Trần Văn Phương và hai thủy thủ, không cho đối phương tiến lên. Các thủy thủ Việt Nam dàn súng xung quanh 4 ghềnh cao để bảo vệ, phòng thủ 4 hướng.

Trung Quốc thả thêm 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo để giật cờ Việt Nam. Lúc này, tàu chỉ huy phía Việt Nam là HQ-604 đã phát loa, nói tiếng Tàu khẳng định chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu lính Trung Quốc rời đảo. Lời nói từ HQ-604 chưa dứt thì tàu 502 của Trung Quốc khai hỏa đầu tiên.

HQ-604 trước khi làm nhiệm vụ tại Trường Sa.

Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy lực lượng trên tàu sử dụng súng AK, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương nhảy xuống biển bơi trở về tàu. Trung Quốc thả thêm nhiều ca nô loại nhỏ chở hằng trăm lính vũ trang tràn lên Gạc Ma.

Đại liên trên tàu Trung Quốc bắn trực xạ vào thủy thủ Việt Nam trên đảo, người đứt tay, người đứt đầu, máu văng tung tóe đỏ lòm nước biển. 3 chiến hạm Trung Quốc cũng nã đạn vào tàu Việt Nam, khiến các tàu bốc cháy nghiêng về một bên, thủy thủ trên tàu phải nhảy xuống nước. Lúc này lính Trung Quốc trên Gạc Ma nã súng vào các thủy thủ Việt Nam dưới nước. Tàu HQ-604 bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và Lữ đoàn phó Trần Đức Thông hy sinh, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị trúng đạn, trước khi hy sinh đã hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.

Tại đảo Cô Lin, tàu HQ-505 đã cắm hai lá cờ trên đảo lúc 6h ngày 14/3. Khi thấy tàu HQ-604 bị chìm, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo cho HQ-505 ủi bãi. Phát hiện tàu đang lên bãi, hai tàu Trung Quốc quay sang tiến công HQ-505. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy.

Lúc 8h15, thủy thủ HQ-505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu và bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu thủy thủ HQ-604 bị chìm ở phía Gạc Ma. Tàu HQ-505 bị phá huỷ nhưng cán bộ chiến sĩ của tàu đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, bảo vệ chủ quyền đảo Cô Lin.

Tại Len Đao, 8h20 ngày 14/3, tàu chiến Trung Quốc bắn dữ dội vào HQ-605. Tàu HQ-605 bốc cháy và chìm lúc 6h ngày 15/3, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn.

Thượng uý Nguyễn Văn Chương và trung uý Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và chiến sĩ về tàu HQ-505. Thi hài các chiến sĩ Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Tư, cùng thương binh nặng được đặt trên xuồng. Số người còn sức một tay bám thành xuồng một tay làm mái chèo đưa xuồng về tới bãi Cô Lin.

Trong trận chiến ngày 14/3/1988, Việt Nam có 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 3 người hy sinh tại chỗ, 11 người bị thương, 70 người mất tích. Sau này Trung Quốc trao trả cho Việt Nam 9 người bị bắt, 61 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh. Việt Nam bị chiếm đảo Gạc Ma nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao cho đến nay. Các chiến sĩ Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng chục tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân chương Quân công, huân chương chiến công các loại.

Ngày 23/3/1988, Trung Quốc chiếm thêm đá Xu Bi. Ngày 31/3/1988, Tư lệnh Hải quân lệnh cho Vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146; các hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao; đồng thời lệnh cho Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 ở Hải Phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường. Bộ Tư lệnh Hải quân điều động 41 tàu thuyền và phương tiện nổi của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế, Vùng 1, Vùng 3, Vùng 5, Trường sĩ quan Hải quân, Nhà máy Ba Son, X51 tiếp nhận 3 tàu của nhà nước, 3 tàu của Tổng cục Hậu cần và 2 tàu của Quân khu 5 đến phối thuộc hoạt động khi cần thiết

Trải qua hơn 5 tháng, vượt qua mọi thử thách khó khăn, được sự chi viện của các lực lượng trong toàn quân và nhân dân nhiều tỉnh thành ven biển, Quân chủng Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ CQ-88, đóng giữ và bảo vệ 11 đảo mới với 32 điểm đóng quân.

Ngày 7/5/1988, tại lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng, đã đến thăm cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Đại tướng biểu dương: “Hải quân đã tích cực, kiên trì thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng về bảo vệ quần đảo Trường Sa. Mặc dù có nhiều khó khăn, song đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Tại cuộc mít tinh ở đảo Trường Sa, Đại tướng nhấn mạnh: “Nhân kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ các Tổng cục, các quân chủng, đại biểu tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Tàu chiến Việt Nam làm nhiệm vụ ở Trường Sa.

Ngày 5/7/1988, Đảng ủy Quân chủng họp nhận định: Sau những hành động khiêu khích quân sự vừa qua, Trung Quốc sẽ tiếp tục âm mưu cô lập hạn chế hoạt động của ta để mở rộng quyền kiểm soát, khống chế Biển Đông. Đúng như dự đoán của ta, trên vùng biển và xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc thường xuyên duy trì 10-15 tàu, trong đó có 4-6 tàu chiến.

Đầu tháng 9/1988, Trung Quốc đưa tàu trinh sát vô tuyến điện xuống thăm dò 21 đảo ta đang đóng giữ, uy hiếp chiếm lại khi thời cơ thuận lợi và tuyên truyền về chiến lược biển và kinh tế biển, tập trung vào dầu khí thuộc khu vực thềm lục địa phía nam của Việt Nam. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng cụm kinh tế, khoa học, dịch vụ tại thềm lục địa phía đông nam thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phục vụ phát triển kinh tế đất nước và giao nhiệm vụ cho Quân chủng Hải quân bảo vệ.

Ngày 26/10/1988, Phó đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam (DK1). Đây là vùng có ý nghĩa chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng – an ninh của đất nước.

Ngày 6/11/1988, biên đội hai tàu HQ-713 và HQ-688 thuộc Lữ đoàn 171, do các đồng chí Phạm Văn Thư, Nguyễn Hồng Thưởng chỉ huy, rời cảng ra khơi. Sau hơn 10 ngày hành quân trên biển, hai tàu đã đến vị trí tiến hành đo đạc khảo sát, đánh dấu, xác định vị trí thả neo làm nhà trên vùng biển rộng 60.000 km2.

Trên cơ sở đó, ngày 26/11/1988, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh cho tàu HQ-713, HQ-668 và tàu HQ-727, HQ-723 (Lữ đoàn 129) trực sẵn sàng chiến đấu.

Tính đến nay, Việt Nam là quốc gia kiểm soát nhiều thực thể nhất tại quần đảo Trường Sa với 21 đảo chìm và nổi, trong đó gồm 33 điểm đóng quân thường trực và tổng cộng 49 điểm trong quyền kiểm soát.

                                                                                        Theo: Comcom

TOÀN CẢNH CHIẾN DỊCH CQ 88 TẠI TRƯỜNG SA TOÀN CẢNH CHIẾN DỊCH CQ 88 TẠI TRƯỜNG SA Reviewed by thuần Việt on tháng 3 14, 2021 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Trang chủ. Hình ảnh chủ đề của 5ugarless. Được tạo bởi Blogger.